Bao Bì Phước An

Bao Bì Phước An
Bao Bì Phước An

Header Ads

Kỳ lạ câu chuyện thánh địa của Bồ Tát Quán Âm, Việt Nam cũng góp mặt

Từng nghe, Quán Thế Âm Bồ Tát có thần lực tự tại, thường dạo khắp cõi Ta Bà để độ hoá con người. Đặc biệt hơn là, không chỉ riêng Bồ Tát ứng hiện khắp nơi, mà đạo tràng Phổ Đà Sơn của Ngài cũng hiện hữu trên khắp thế gian.



Nhắc đến thánh địa Phổ Đà Sơn, không ít người liên tưởng đến núi Phổ Đà trong Tây Du Ký, nơi được miêu tả như một chốn tiên cảnh bồng lai:

“Ráng đẹp đầu non vờn nguyên khí; Mây lành chân núi lượn vầng trăng.
Trong rừng trúc tía, khổng tước tung tăng; Trên ngọn dương xanh, chim thiêng ca hót.
Cỏ ngọc hoa ngà bốn mùa tươi tốt; Cây báu sen vàng suốt tháng đơm bông.
Hạc trắng véo von chót đỉnh non tùng; Loan xanh thánh thót bay quanh cung điện.
Cá bơi đến luyện tu chân tính; Vượt triều dâng tìm chốn nghe kinh”.

Chốn bồng lai ấy không phải là tưởng tượng của riêng Ngô Thừa Ân, mà kỳ thực lại hoàn toàn thực tại. Chỉ có điều, một điều đặc biệt, và đặc biệt đến lạ kỳ, đó là ngọn núi Phổ Đà ấy không chỉ có một, mà hiện hữu ở cả ba vùng đất nơi Phật giáo phát triển rực rỡ huy hoàng: Ấn Độ – Trung Quốc – Việt Nam. Cả ba ngọn núi ấy cùng chung một cái tên, ở Ấn Độ là Potalaka, ở Trung Quốc là Phổ Đà Sơn (普陀山), ở Việt Nam là núi Phổ Đà — chung quy lại thì cùng là “Phổ Đà”.

Điều ấy đặc biệt đến mức nào?


Quan Âm Bồ Tát. (Ảnh minh hoạ)
Trước hết, hãy nói đến Phổ Đà ở Ấn Độ

Địa danh này được nhắc đến lần đầu trong các kinh điển Phật giáo. Theo ghi chép trong kinh Hoa Nghiêm, cư sĩ Tỳ Sắc Chi La từng nói với Thiện Tài đồng tử rằng: “Này thiện nam tử, phương Nam đây có tòa núi tên là Bổ-Đặc-Lạc-Ca (Potalaka), núi ấy có bồ-tát tên là Quán Tự Tại…”. Cũng theo kinh Hoa Nghiêm, núi này do báu vật hợp thành, hết sức thanh tịnh, bên trong có toà cung điện trời bằng đá của Bồ Tát Quan Âm.


“Bổ-Đặc-Lạc-Ca”, hay “Phổ Đà Lạc Già”, gọi tắt là “Phổ Đà”, là phiên âm từ tên tiếng Phạn “Potalaka”. Đây là ngọn núi huyền thoại được nhắc đến trong kinh Phật. Ngày nay ở phía Nam Ấn Độ, thuộc tiểu bang Tamil Nadu có một quả núi tên là Potikai. Từ thời Á Dục Vương, tức hoàng đế huyền thoại Ashoka, ngọn núi này được gọi là Potalaka – nơi Quan Âm Bồ Tát thường ngự trị. Khi Pháp sư Huyền Trang sang Tây Thiên thỉnh kinh, ngài cũng ghi chép lại câu chuyện hành hương tới núi này trong cuốn “Đại Đường tây vực ký”.

Đã có thời người ta coi Potalaka là thánh địa thiêng liêng thần thánh, gắn liền với những thần tích về Bồ Tát Quan Âm. Nhưng về sau này, khi Phật giáo được truyền sang phương Đông, thì ngay tại Ấn Độ người ta không còn sùng kính Đức Thích Ca nữa mà chuyển sang thờ cúng những vị thần khác. Phật giáo do Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng năm xưa cũng dần dần lụi tàn trên chính quê hương của mình. Vật đổi sao dời, bể cạn nương dâu, ngay cả cái tên Potalaka cũng đổi khác, những thánh tích xưa kia về vị Quan Âm huyền thoại ở Ấn Độ nay cũng phủi mờ một lớp bụi thời gian.

Cùng lúc ấy, Phật giáo lại trở nên thịnh hành ở phương Đông. Những kinh điển Phật giáo tiếp tục lưu truyền qua ngàn đời, tới mức trong dân gian có câu nói rằng: “Gia gia Di Đà Phật, nhân nhân Quán Thế Âm”, nghĩa là, nhà nhà tụng niệm Phật Di Đà, người người tụng niệm Quán Thế Âm. Và khi lòng người càng tín ngưỡng như vậy, thì thần tích về Bồ Tát Quan Âm lại càng triển hiện cho thế nhân. Những địa danh Phổ Đà xuất hiện sau này đều bắt nguồn từ những thần tích như thế.

Phổ Đà thứ hai là ngọn núi huyền thoại ở Trung Hoa

Phổ Đà Sơn ngày nay là ngọn núi nằm trong biển Đông Nam, ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Đây cũng chính là thánh địa của Quan Âm mà Ngô Thừa Ân mô tả trong Tây Du Ký. Nơi đây có rừng Trúc Tía, có am Quán Âm, có Kim Cương động, có tảng đá “Rùa nghe Pháp”, có quả chuông nặng 7000 cân treo trên sợi dây thừng cỏ bện, có hòn đá “Hải Thiên Phật Quốc”, có 24 đợt sóng Liên Hoa toả màu ngũ sắc long lanh… Cõi Phật biển trời, quả đúng là nơi thánh địa linh thiêng, là kỳ quan hiếm có trên đời.


Cảnh đẹp bên núi Phổ Đà, Trung Quốc (Ảnh: Pixabay)
Tương truyền, cách nay hơn 1000 năm có một vị cao tăng Nhật Bản tên là Huệ Ngạc sang Ngũ Đài Sơn ở Trung Hoa tu học. Trước khi trở về, ông đã thỉnh một bức tượng Quan Âm mang về nước. Khi đang lênh đênh trên biển, trời bỗng nổi mưa bão triền miên, trên mặt biển lại xuất hiện nhiều đóa sen kỳ lạ khiến thuyền không thể đi tiếp. Thiền sư Huệ Ngạc quỳ xuống cầu khấn: “Nếu như Quan Âm Đại sĩ không muốn độ Phù Tang (Nhật Bản), con xin tùy tâm nguyện của Ngài, chọn đất nơi đây để thờ phụng”. Thiền sư vừa dứt lời thì thuyền rẽ sóng dạt vào một hòn đảo, ông bèn rước bức tượng Quan Âm lên đảo và dựng nơi thờ cúng, đồng thời gọi nơi đây là “Quán Âm Bất Khẳng Khứ”, nghĩa là Quán Âm chẳng chịu rời đi mà chỉ ở đảo này. Đây cũng chính là Phổ Đà Sơn, một trong Tứ Đại Phật Sơn linh thiêng của Trung Hoa.

Còn Phổ Đà ở Việt Nam là ngọn núi nào?

Tại Việt Nam, núi Phổ Đà nằm trong khu di tích Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội). Đây là nơi “quần long tụ thuỷ”, có động Phật Tích, có chùa Quán Âm, có lầu Di Lặc, có chùa Bồ Đề, còn có nhũ đá lấp lánh bao quanh tượng Bồ Tát huyền ảo.

Sự tích về núi Phổ Đà có từ thời vua Lê Thánh Tông. Theo văn bia cổ để lại, sư tổ Trần Đạo Viên, Pháp danh Thích Thanh Quang từng vân du đến vùng núi hương tích để lập am tu tập. Khi đi qua nơi này, sư thấy thế núi có nhiều vượng khí thoát lên, là nơi linh sơn phúc địa, trên đỉnh núi lại tỏa ra vô số hào quang lung linh huyền diệu. Đến sáng hôm sau, sư lại được nghe già làng kể về sự tích tượng Quan Âm trôi về đảo Phổ Đà mà không chịu rời đi. Biết đây là điểm hóa của Bồ tát, sư bèn xây dựng thành chùa và gọi là Bàn Long Tự (chùa trên lưng rồng), đồng thời đặt tên núi là Phổ Đà Sơn.

Trong dân gian cũng lưu truyền bài thơ rằng:

“Thần thông ngàn mắt ngàn tay,
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra,
Rằng trong bể nước Nam ta,
Phổ môn có đức Phật Bà Quán Âm.
Ứng thân ngồi núi Phổ Đà,
Thân lên tiên phật, thân quan cứu đời”.

Cứ như một sự sắp xếp hữu tình của tạo hóa, cả ba thánh địa Phổ Đà linh thiêng đều tọa lạc tại những vùng đất được coi là “linh sơn phúc địa”, hơn nữa lại nằm ở ba quốc gia nơi Phật giáo từng phát triển huy hoàng.

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả, bởi vẫn còn một điều lạ kỳ hơn thế…

Sợi dây kết nối Phổ Đà Sơn

Từ ngọn Potalaka ở miền Nam Ấn Độ, tới núi Phổ Đà ở miền Bắc Việt Nam, cho đến Phổ Đà Sơn trên vùng biển phía Đông Trung Quốc — liệu có chăng mối liên hệ nào đó giữa ba ngọn Phổ Đà này?

Câu trả lời là “Có!”, mặc dù hết thảy vẫn nằm trong bí mật của bàn tay tạo hóa. Chúng ta chỉ biết rằng, khi kết nối cả ba ngọn Phổ Đà ta sẽ được một đường thẳng hoàn mỹ trên bản đồ, mà Phổ Đà của Việt Nam là điểm nằm gần như chính giữa. Đây phải chăng chỉ là ngẫu nhiên, hay là một an bài của tạo hoá?


Vị trí của ba ngọn Phổ Đà ở Ấn Độ, Việt Nam, và Trung Quốc tạo thành một đường thẳng trên bản đồ (Ảnh: Google Maps)
Nếu như năm xưa, Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh đã viết nên con đường tìm cầu Phật Pháp theo hướng Đông – Tây, thì “sợi dây kết nối Phổ Đà Sơn” này lại không khỏi khiến người ta liên tưởng tới quá trình truyền bá Phật Pháp từ Tây ngược về Đông. Phật giáo sinh ra ở Ấn Độ nhưng lại lụi tàn ở Ấn Độ; cuối cùng, chỉ còn lại Đông phương là mảnh đất nhiệm màu của Phật giáo. Chẳng thế mà kể từ sau khi Đức Thích Ca nhập niết bàn, hầu hết những cao tăng huyền thoại trong lịch sử đều đến từ phương Đông.

Tạo hoá quá huyền diệu, Phật Pháp quá cao thâm, vậy nên mọi sự sắp đặt dù là vô tình hãy hữu ý cũng đều ẩn chứa những thiên cơ nào đó. Dẫu chúng ta chưa thể giải đáp được tất cả mọi ẩn đố, nhưng có một điều chắc chắn là, chỉ cần lòng người luôn hướng về Phật Pháp, thì mọi thần tích đều có thể triển hiện tại nhân gian…

Hồng Liên

No comments

Powered by Blogger.